Điều 1. Khái niệm

Bộ môn là đơn vị chuyên môn của Phân hiệu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc phân hiệu. Bộ môn hoạt động theo chức năng nhiệm vụ và quyền hạn đã được quy định.

Điều 2. Mục đích, đối tượng, phạm vi điều chỉnh

Văn bản này nhằm cụ thể hóa quy định về cơ cấu tổ chức, các điều kiện thành lập; quy định về chức năng, nhiệm vụ của bộ môn và Trưởng bộ môn thuộc phân hiệu; điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng bộ môn tại phân hiệu thuộc trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh.

Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ của bộ môn

1. Chức năng: Bộ môn là đơn vị chuyên môn thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động công nghệ của một ngành hoặc một số ngành, chuyên ngành đào tạo của phân hiệu

2. Nhiệm vụ         :

a. Chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch đào tạo, các nội dung, chương trình môn học thuộc bộ môn; tìm kiếm và quản lý giáo trình, tài liệu các học phần và tài liệu tham khảo phù hợp với nội dung, chương trình đào tạo và thường xuyên cập nhật những kiến thức mới về khoa học - công nghệ vào nội dung các học phần.

b. Chịu trách nhiệm lập kế hoạch và tổ chức thực hiện giảng dạy các học phần do bộ môn phụ trách trên cơ sở kế hoạch năm học của phân hiệu, của trường; phân công giảng dạy theo từng học kỳ của các hệ đào tạo cho giảng viên trong bộ môn và đề xuất mời giảng viên thỉnh giảng; theo dõi kiểm tra việc giảng dạy, bảo đảm thực hiện đúng đề cương chi tiết học phần và lịch giảng dạy.

c. Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy, học tập các môn học/học phần trong chương trình, kế hoạch giảng dạy của bộ môn; quản lý chất lượng và khối lượng giảng dạy của giảng viên thuộc bộ môn; theo dõi, quản lý việc học tập của sinh viên chuyên ngành đào tạo, quản lý bài thi, điểm số của sinh viên do giảng viên thuộc bộ môn giảng dạy.

d. Nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; hướng dẫn, tư vấn sinh viên trong quá trình học tập tại phân hiệu.

e. Triển khai công tác biên soạn đề thi, thẩm định đề thi học phần; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác coi thi và chấm thi kết thúc học phần đúng quy định.

f. Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học cho bộ môn; đăng ký và triển khai thực hiện các đề tài khoa học công nghệ các cấp về lĩnh vực chuyên môn của bộ môn; tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành hoặc liên quan; tham gia viết báo.

g. Giới thiệu, góp ý xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ viên chức của phân hiệu.

h. Sử dụng có hiệu quả phòng Lab, cơ sở vật chất và trang thiết bị khác thuộc bộ môn.

i. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban giám đốc và Hiệu trưởng phân công.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức của bộ môn

1. Tổ chức bộ môn gồm

a. Trưởng bộ môn

b. Giảng viên

2. Điều kiện để thành lập bộ môn

a. Bộ môn có nhu cầu và phù hợp với kế hoạch phát triển của Phân hiệu.

b. Đảm nhận việc tổ chức đào tạo một số học phần của ngành/chuyên ngành ở bậc Đại học.

c. Số giảng viên cơ hữu phải đạt số lượng từ 5 người trở lên.

d. Có ít nhất 1 giảng viên có học vị Tiến sĩ.

Điều 5. Trưởng bộ môn

Trưởng bộ môn là người đứng đầu bộ môn, chịu trách nhiệm trước phân hiệu về mọi hoạt động của bộ môn.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

Số lần xem trang: 2547