Ngày 18-1, Báo Người lao động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận và Trường CĐSP Ninh Thuận tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh với chủ đề “Đưa Trường học đến thí sinh năm 2015 cho học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”

 

           Một mùa thi nữa chuẩn bị diễn ra đối với học sinh cuối cấp THPT, điều này cũng đồng nghĩa với bao lo lắng không chỉ đối với học sinh mà còn cả các bậc phụ huynh. Bởi lẽ đây là thời điểm chọn lựa tương lai bằng một nghề phù hợp để sau khi học xong có thể tự đứng được trên “đôi chân” của mình, đóng góp cho xã hội; Và liệu con em mình có thể vượt qua kỳ thi quan trọng này không? Nên cho con em học ở đâu?...

          Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay việc thi của học sinh cuối cấp THPT thay đổi cả hình thức và nội dung theo hướng tạo thuận lợi cho học sinh và mở rộng “biên độ” điểm chấm kiến thức làm bài của học sinh với thang điểm đến 20 điểm và cả việc lựa chọn trường sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp. Cụ thể là, về hình thức thí sinh chỉ dự thi một lần và kết quả này sẽ được dùng để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời vừa dùng để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH).

          Như vậy, khác với các năm trước là học sinh cùng với chuẩn bị thi tốt nghiệp thì cần phải đăng ký thi CĐ, ĐH mới “hợp quy”, dẫn đến việc bị động và khó thay đổi nguyện vọng vào “giờ chót”... thì nay, khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp - cũng đồng nghĩa với đánh giá chính xác nhất lực học - qua đó học sinh có thể lượng được sức mình để chủ động chọn ngành, chọn trường theo khả năng. Quan trọng là chọn được trường để khả dĩ khi nộp hồ sơ có thể trúng tuyển mà không phải “cầu âu” vào sự “may mắn” như trước đây. Như vậy, cũng đồng nghĩa là cơ hội cho học sinh vào các trường ĐH, CĐ là khá cao. Được biết, cả nước hiện có trên dưới 300 ngành học được tổ chức tuyển sinh tại 530 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Điều này vừa “mở” cho học sinh “thỏa sức” lựa chọn ngành nghề nhưng cũng “đóng” là khó lựa chọn bởi nhiều cơ hội cũng… “rối trí”!

          Tuy nhiên, để bước vào “ngưỡng cửa” Đại học thì chí ít học sinh cũng phải vượt qua “chướng ngại vật” đầu tiên là kỳ thi tốt nghiệp. Vấn đề đặt ra là học gì, thi gì?. Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mặc dù có nhiều đổi mới nhưng hướng ra đề vẫn duy trì như năm 2014 để tránh xáo trộn, lo lắng cho học sinh. Nghĩa là, phạm vi ra đề thi nằm trong kiến thức THPT, chủ yếu là lớp 12, đáng lưu ý là không đánh đố hay lắt léo, bắt bí học sinh. Riêng các môn khoa học xã hội đề ra theo hướng mở, giảm chuyện học thuộc lòng, tăng phần phân tích sự kiện bằng kiến thức tổng hợp, liên ngành đặc biệt là kiến thức xã hội thông qua hiểu biết của học sinh.

           Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ đã và đang khởi động chương trình tư vấn tuyển sinh. Đây được xem là kênh thông tin quan trọng để giúp cho học sinh có hiểu biết đầy đủ về các trường cũng như nhóm ngành học yêu thích, theo đuổi và cả học phí phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, qua đó học sinh cùng phụ huynh lựa chọn ngành học phù hợp.

TS. Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM trao đổi với học sinh trước khi bắt đầu chương trình

 

         Những chuyên gia giáo dục có nhiều kinh nghiệm trong tuyển sinh đều cho rằng: Phải xem lại mình có ưu thế gì, học đến đâu và chọn ngành nghề thích hợp cả điều kiện sức khoẻ, sở thích và kinh tế. Cũng cần lưu ý, giữa ước mơ và thực tế có khoảng cách khá xa nếu không biết rõ bản thân và quyết tâm thực hiện.

        Có người đã nói rất hay rằng: Việc chọn ngành nghề của học sinh cũng giống như gieo hạt giống, phải được gieo trên mảnh đất phù hợp thì mới sinh ra giá trị. 

 

Số lần xem trang: 2488

Trang tin

Liên kết doanh nghiệp